Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

CÂY SEN CẠN

CÂY SEN CẠN
14:09 7 thg 5 2008Công khai1 Lượt xem 0
mời các cụ xem bài cây sen cạn
Chùa Bối Khê mùa sen kỳ lạ

Tam quan và gác chuông chùa Bối Khê
TTCT - Những ngày chớm hạ này theo quốc lộ 21B, tới chùa Đại Bi (thường được gọi là chùa Bối Khê) ở thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây - cách Hà Nội chừng 20km, du khách sẽ được ngắm những hoa sen trắng, thơm ngào ngạt ẩn dưới tầng tầng cành lá trong không gian cổ kính của một ngôi chùa có từ thời nhà Trần.
Không vươn lên từ mặt nước hồ, những hoa sen kỳ lạ chùa Bối Khê bung ra tinh khiết trắng từ những cành lá xanh. Búp sen nho nhỏ giống hệt búp sen thường thấy.
Thoạt nhìn, hoa sen chùa Bối Khê nhang nhác hoa trà, lá giông giống lá cây sanh nhưng tỏa hương thơm đặc trưng của hoa sen nước, có phần đậm đà hơn. Mùa hoa sen từ tháng 4 - tháng 6 âm lịch, hoa nở tới 1 - 2 tuần mới tàn.
Chỉ có ở chùa Bối Khê (?)

 

Toàn cảnh cây sen cạn


Cận cảnh một cành sen

Tương truyền những cây hoa sen kỳ lạ này đã có hàng trăm năm trong khuôn viên chùa. Dân làng không ai rõ, gọi là sen cạn. Trước đây chùa có hai cây sen tổ cao chừng 5m nhưng một cây đã chết vì sâu mọt. Có hồi trên báo chí từng tranh luận về câu ca dao Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen, còn theo lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, bảo vệ chùa Bối Khê: “Mọi người bảo làm gì có cành sen, nhưng chỉ chùa làng tôi có cành sen”.
Hiện trong khuôn viên chùa cũng chỉ có vỏn vẹn ba cây sen. Hai cây sen con cao chừng 2m, trồng trước tam bảo, được chiết từ cây sen tổ cạnh hậu cung thờ thánh. Theo ông Hùng, hai cây sen con mỗi năm chỉ nở chừng 10 hoa. Khi chúng tôi đến chùa, hai cây sen con mới nở chừng 1-2 hoa và đang có nụ, thế mà trong không gian ầm ầm tiếng cưa đục, xây trát đại tu ngôi chùa cổ vẫn ngát hương. “Chùa cũng đã có ý định nhân giống sen trồng nơi khác trong làng nhưng không sống được” - ông Hùng bảo.
Ngôi cổ tự độc đáo

Hoa sen trắng trên cây con
Chùa Bối Khê ẩn dưới tầng lá mát rượi bóng đề, đa cổ thụ ba người ôm không xuể, kề bên là hàng loạt di tích cổ kính khác. Trên gác chuông chùa có treo quả chuông đồng đường kính 60cm, cao 1m, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844). Chùa được dựng vào thời Trần, khoảng năm 1338, toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hợp thành kiểu nội công ngoại quốc. Qua khỏi gác chuông là sân gạch rộng xanh mát những cây đại, móng rồng, sen cạn... Hai bên là hai hồ sen, cũng là giếng nước sinh hoạt cho dân làng trước đây, nay là nơi biểu diễn văn nghệ trong dịp hội chùa.
Trong số 58 pho tượng của chùa có những tượng đẹp không kém tượng chùa Mía, chùa Dâu, chùa Thầy..., chẳng hạn tượng Ngọc hoàng Thượng đế, thập điện Diêm vương, và nhất là tượng Phật Quan Âm 12 tay cao chừng 2m ngồi trên tòa sen đặt trên bệ đá chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá có niên đại 1382, triều vua Trần Phế Đế.
Chùa còn nhiều hiện vật quí hiếm: nhang án hoa sen bằng đá được làm vào thời Trần (1382), đèn gốm trang trí hình cánh sen, rồng đắp nổi và tượng Quan Âm Nam Hải thời Mạc, cùng nhiều bia đá mà cổ nhất là bia sự tích “Bối động thánh tích bi ký” có niên đại Thái Hòa 11 (1453)...
Hằng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng giêng âm lịch. 14 thôn lân cận rước kiệu thánh làng mình về tế lễ thánh Bối Khê, sau đó rước kiệu thánh lên đình Kim thờ Hai Bà Trưng. Một dự án trùng tu chùa với tổng kinh phí 15,87 tỉ đồng được khởi công vào tháng 11-2005 và phải mất ba năm mới hoàn thành.
Dù được công nhận là di tích quốc gia hạng đặc biệt, là một trong sáu di tích quan trọng hàng đầu của Hà Tây (cùng với chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, làng cổ Đường Lâm), lại nằm trong vòng cung du lịch chùa Hương - Quan Sơn - làng nghề Hà Tây nhưng đến nay chùa Bối Khê vẫn vắng vẻ khách thập phương, người hành hương, chiêm bái di tích. Một ngôi chùa cổ kính nhất, độc đáo vào bậc nhất VN, ngát hương sen kỳ lạ vẫn chưa được mấy người biết đến.
PHẠM AN PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét